Người “truyền lửa” tình yêu văn học

Cô giáo Lê Thị Thu Trang (áo trắng ở giữa) luôn được học sinh yêu quý
Cô giáo Lê Thị Thu Trang (áo trắng ở giữa) luôn được học sinh yêu quý

Niềm tự hào về truyền thống hiếu học của quê hương, gia đình và tình yêu nghề mến trẻ… là những yếu tố tạo nên sức mạnh, động lực để cô giáo Lê Thị Thu Trang, Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc trở thành người “truyền lửa” cho các thế hệ học sinh.

Đánh thức tiềm năng của học trò

Những ngày này, cô giáo Lê Thị Thu Trang rất vui mừng khi học sinh lớp 12A11 và 12A14 của Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc do cô trực tiếp giảng dạy, ôn luyện đã đạt điểm trung bình môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 trên 9 điểm; trong đó, có 1 học sinh đạt điểm 9,75 (điểm cao nhất môn Ngữ văn toàn tỉnh). Thành tích này góp phần đưa Vĩnh Phúc đứng tốp đầu cả nước về kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Trong 24 năm đứng trên bục giảng, cô Trang luôn là giáo viên giỏi, đào tạo nhiều thế hệ học sinh trưởng thành. Mỗi khóa học sinh do cô phụ trách đều có thành tích thi tốt nghiệp THPT cao, có thủ khoa, á khoa của tỉnh và nhiều học sinh đỗ đại học khối C, khối D với điểm môn Ngữ văn cao.

Chia sẻ về kinh nghiệm dạy học môn Ngữ văn, cô Trang cho biết: “Khi bước vào lớp, tôi luôn chỉn chu, tươi vui, đầy năng lượng. Quá trình giảng dạy, tôi tích cực đổi mới phương pháp, linh hoạt, sáng tạo tổ chức các hoạt động giáo dục nhằm khơi dậy được cảm hứng và sự đam mê, chủ động trong học tập của học sinh.

Nhờ được đảm nhiệm giảng dạy học sinh từ đầu đến hết khóa học, nên tôi có thời gian rèn luyện cho các em theo chiến lược riêng của mình; trong đó, điều cốt yếu là cùng các em xác định mục tiêu phấn đấu, xây dựng kế hoạch học tập và đồng hành cùng các em trên mỗi chặng đường.

Để “đánh thức tiềm năng” của học sinh, tôi theo sát, nắm bắt thế mạnh và khơi gợi cảm xúc trong tâm hồn các em cũng như luôn đặt niềm tin để các em có động lực, tự tin tỏa sáng theo cách riêng. Đó chính là động lực mạnh mẽ giúp các em luôn vững vàng và có ý chí nỗ lực học tập, tiến bộ mỗi ngày”.

Hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cô trò vẫn cùng nhau miệt mài ôn luyện trực tuyến. Thời điểm ôn tập nước rút chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, mặc dù bị tai nạn giao thông, nhưng cô Trang không nghỉ buổi nào, cô vẫn cố gắng đến trường để hướng dẫn học sinh ôn luyện. Ý chí, nghị lực và quyết tâm đó đã khiến các em học sinh cảm động, nỗ lực hết mình để không phụ sự kỳ vọng của cô.

Không chỉ nhiệt huyết trong giảng dạy, cô Trang còn luôn đề cao lối sống nhân văn, giàu tình cảm bởi với cô “Văn học là nhân học”. Cô luôn dành sự quan tâm với học sinh và nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn được cô đỡ đầu đã vươn lên học tập thành tài.

Em Lê Ngọc Hoa, niên khóa 2017 – 2020, một trong những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được được cô Trang nhận đỡ đầu, hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho biết: “Nhờ sự dìu dắt, yêu thương của các thầy, cô giáo, nhất là cô Trang, em đã học tập tiến bộ, đạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia, được tuyển thẳng vào Trường đại học Bách Khoa Hà Nội. Em sẽ luôn nhớ ơn cô – người mẹ thứ hai của em ”.

Trưởng thành từ niềm tự hào về quê hương, gia đình

Để tạo nên một nhà giáo Lê Thị Thu Trang tài năng, nhiệt huyết, cháy ngọn lửa đam mê với nghề và có tâm hồn cao đẹp là do nhiều yếu tố, trong đó, yếu tố tiên quyết chính là niềm tự hào về quê hương, gia đình.

Cô Trang sinh ra và lớn lên tại làng Gốm (tên chữ là làng Quan Tử) ven bờ sông Lô thuộc xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch – là làng cổ văn hiến có truyền thống khoa bảng nổi tiếng. Đây chính là quê hương của Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn – con người văn võ toàn tài, bậc khai quốc công thần của triều hậu Lê và là nơi sinh sống, dạy học nhiều năm của nhà giáo Đỗ Khắc Chung – người đã góp nhiều công sức trong việc đào tạo nhân tài và khai trí cho người dân địa phương trước khi về làm quan nhà Trần.

Làng Quan Tử còn được tôn vinh là “Làng Tiến sĩ”, là đất học bởi có 13 vị Tiến sĩ phụng sự các triều đại phong kiến Việt Nam, và từ đầu thế kỷ XX đến nay, làng đã đóng góp lực lượng trí thức đông đảo làm “Nguyên khí của quốc gia” trong công cuộc kiến thiết, chấn hưng, phát triển đất nước.

Truyền thống văn hiến lâu đời và mạch nguồn hiếu học không bao giờ dứt ấy luôn là niềm tự hào của người dân Sơn Đông, trong đó có gia đình cô Trang. Ông nội cô là một nhà nho hay chữ, luôn chú trọng giáo dục đạo thánh hiền và lối sống trọng nhân nghĩa cho con, cháu.

Thân sinh cô Trang là thầy giáo Lê Công Duyệt và cô giáo Đặng Thị Trưng – những nhà giáo giỏi, tâm huyết với nghề. Không chỉ dạy học, bố mẹ cô Trang còn hết lòng giúp đỡ học sinh, sẵn lòng hỗ trợ, nuôi nấng, giúp nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn học tập thành tài.

Cốt cách nhà giáo, tình yêu nghề và lòng nhân hậu là những ấn tượng sâu sắc mà vợ chồng thầy giáo Lê Công Duyệt để lại trong lòng nhiều nhà giáo lão thành thời kỳ trước cũng như nhiều thế hệ học sinh và nhân dân. Từ tấm gương sáng đó, chị em cô Trang không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện, trở thành những thạc sĩ, những nhà giáo giỏi, cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người” của tỉnh.

Nhớ lại những năm tháng học trò, dù cuộc sống gia đình thanh đạm, nhưng nữ sinh Lê Thị Thu Trang luôn tự tin đến trường bởi nhiều thành tích xuất sắc trong học tập. Khi thi đỗ vào Trường đại học Sư phạm Hà Nội, sống nơi thủ đô phồn hoa, cô Trang vẫn giữ lối sống giản dị, thuần khiết với hành trang mang theo là niềm tự hào về quê hương, gia đình cùng ý chí, quyết tâm phấu đấu học tập.

“Hoa chuẩn bị âm thầm trong đất/Nơi ấy nhất định mùa Xuân sẽ bùng lên”, suốt 4 năm học đại học, cô Trang là sinh viên ưu tú của trường, giành được học bổng cao nhất và là một trong số ít sinh viên đạt điểm 10 tuyệt đối cho luận văn tốt nghiệp.

Đến nay, hơn 2 thập kỷ công tác tại Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, cô luôn là hình ảnh đẹp về một nhà giáo sáng về trí tuệ và nhân cách. Thầy giáo Hoàng Mạnh Du, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc cho biết: “Cô giáo Lê Thị Thu Trang là giáo viên giỏi, nhiệt huyết, luôn tỏa sáng niềm đam mê với văn chương, tình yêu thương với học trò”.