Lại một lần nữa, học sinh Chuyên Vĩnh Phúc được vinh danh trong lễ trao giải Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 46 được tổ chức tại Bắc Ninh vào tháng 5/2017 vừa qua. Đó là 2 em học sinh đến từ lớp 10 chuyên Văn – em Phùng Thị Thu Trang (đạt giải Khuyến Khích) và em Trần Thị Thu Huyền (đạt giải Cây bút triển vọng). Hai bức thư đã thể hiện được sự quan tâm và cách nhìn của các em với những vấn đề chính trị – xã hội toàn cầu.

Cuộc thi viết thư quốc tế UPU do Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) tổ chức. Năm 2017 là tròn 30 năm cuộc thi được tổ chức tại Việt Nam. Cuộc thi năm nay có chủ đề: “Hãy tưởng tượng bạn là cố vấn cho Tổng Thư ký mới của Liên hợp quốc; vấn đề toàn cầu nào bạn sẽ giúp ông ấy xử lý trước tiên và cách giải quyết vấn đề đó như thế nào?”. Năm nay, Ban tổ chức cuộc thi đã trao 1 giải nhất, 3 giải nhì, 5 giải ba, 30 giải khuyến khích, 61 giải cây bút triển vọng cùng 3 giải phụ dành cho thí sinh khiếm thị và khuyết tật. Trong đó Vĩnh Phúc có 03 giải (01 giải khuyến khích và 02 giải cây bút triển vọng).

Hai bức thư đoạt giải quốc gia của học sinh Chuyên Vĩnh Phúc
Em Phùng Thị Thu Trang (ngoài cùng bên phải) và Trần Thị Thu Huyền (ngoài cùng bên trái) trong buổi lễ tổng kết trao giải cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 46

Nhận xét về chủ đề cuộc thi năm nay, Thu Trang cho rằng: “Đó là chủ đề vô cùng thú vị! Nó giúp chúng em – những người công dân nhỏ tuổi, có thể góp một phần sức lực của mình để giải quyết những vấn đề của thế giới!”. Vấn đề toàn cầu nhức nhối mà Thu Trang muốn góp tiếng nói giải quyết chính là làm thế nào để cuộc sống của những người tị nạn hạnh phúc hơn, em chia sẻ: “Em đã đọc nhiều bài báo, xem rất nhiều ảnh và phóng sự về các bạn nhỏ ở trại tị nạn. Đặc biệt bức ảnh về cậu bé Alan Kurdi khiến em vô cùng xúc động. Viết về người tị nạn, em muốn góp tiếng nói đấu tranh cho cuộc sống của họ tốt đẹp hơn”.

Với tấm lòng yêu thương và cái nhìn sâu sắc, trong bài dự thi Thu Trang đã đưa ra một vài giải pháp để giải quyết vấn đề người tị nạn: “Theo tôi, những giải pháp mà UNHCR đưa ra chưa đủ kiên quyết, kêu gọi sự ủng hộ và quyên góp thông thường không đủ để con người ta nhận thức về hành động vô tâm của mình và xấu hổ vì điều đó. Phải rung hồi chuông cảnh tỉnh mọi người về sự nhức nhối của vấn đề làn sóng người tị nạn (…) Đồng thời lập ra nhiều đội tình nguyện ở tất cả các quốc gia, nếu cần, những người này có thể ở trên đường phố, mọi khu vực để kêu gọi sự ủng hộ, lập quỹ cứu trợ người tị nạn”.

Để thực hiện được những giải pháp đó, Thu Trang cũng nhấn mạnh: mỗi người cần có một “lòng tốt bình thường” để mở rộng lòng mình thương yêu những người tị nạn. Lòng tốt bình thường – tưởng như giản đơn nhỏ bé nhưng lại là điều con người đang dần đánh mất trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại. Bức thư của cô học trò nhỏ đã khơi dậy ở mỗi chúng ta điều giản đơn ấy. Chỉ cần mỗi người có một lòng tốt bình thường là đã góp phần dựng xây một thế giới ấm áp tràn đầy tình yêu thương, xóa đi những khổ đau và bất hạnh…

Với Thu Huyền, chủ đề cuộc thi năm nay có sức cuốn hút đặc biệt, giúp em có cái nhìn toàn diện hơn và bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề toàn cầu. Thu Huyền lựa chọn góp tiếng nói trong việc giải quyết vấn đề chủ nghĩa khủng bố, em cho rằng: “Cuộc sống của con người giờ đây dù có kinh tế phát triển đến mức nào mà tình hình chính trị không ổn định thì rất khó vững bền. Đó có thể được coi là vấn đề sống còn của cả nhân loại”.

Trong bức thư, Thu Huyền bày tỏ những lo lắng, trăn trở khi đưa ra giải pháp để chống lại chủ nghĩa khủng bố trên thế giới: “Thắt chặt an ninh, xử mạnh tay với những phần tử khủng bố, tiêu diệt căn cứ quân sự IS…chỉ giải quyết được phần ngọn (…). Để điều trị tận gốc vấn đề này, thế giới cần phát đi thông điệp về tình yêu hòa bình, tôn trọng con người, đủ mọi màu da, sắc tộc. Các quốc gia là nạn nhân của khủng bố hãy tỉnh táo và bao dung. (…)Về lâu dài, việc thừa nhận sự đa dạng tín ngưỡng dân tộc, đối xử bình đẳng cùng việc yêu cầu sự góp sức trực tiếp của các cường quốc như Mỹ, Anh, Nga, Nhật Bản…là hoàn toàn cần thiết”. Thu Huyền tin tưởng vào sức mạnh đoàn kết của mọi người trong việc đồng tâm nhất trí xây dựng một thế giới hòa bình, nếu ví hòa bình là một cái cây, em mong muốn mọi người sẽ bảo vệ để “cây lớn lên và nở những bông hoa rực rỡ nhất”.

Cô giáo Bùi Thị Hoàng Yến – giáo viên chủ nhiệm, cũng là cô giáo dạy Văn của hai em chia sẻ: “Cuộc thi viết thư quốc tế UPU thực sự cần thiết và có ý nghĩa. Cuộc thi chính là chiếc cầu nối để các em học sinh được tham gia thảo luận, đề xuất ý kiến của mình về những vấn đề toàn cầu nóng bỏng cần được ưu tiên xử lý trong thế giới hiện đại. Cuộc thi cũng khơi dậy ngọn lửa tâm hồn trong các em – ngọn lửa của tình yêu thương, lòng nhân ái và khát khao đổi thay xã hội tốt đẹp hơn”. Cô là người đã truyền cảm hứng cho các em về những vấn đề chính trị – xã hội qua các giờ Văn, là người hướng dẫn các em trong việc thu thập thông tin và hoàn thiện bài thi của mình.

Hai bức thư tuy chưa đạt được giải cao nhưng đã bước đầu thể hiện được sự quan tâm và cách nhìn nhận của hai cô học trò nhỏ với các vấn đề chính trị – xã hội toàn cầu. Kết quả này sẽ là bước đệm cho thành công của hai em ở những cuộc thi lớn hơn sắp tới. Thu Trang mong muốn được đi nhiều nơi trên thế giới để giúp đỡ những người bất hạnh còn Thu Huyền mơ ước trở thành nhà ngoại giao giỏi. Chúc cho ước mơ của hai em sẽ trở thành hiện thực, không chỉ đạt thành tích cao trong các cuộc thi mà còn thực sự trở thành những con người có ích cho xã hội!

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*